Thành lập năm 1970, Công ty TNHH Minh Long I là sự kế thừa truyền thống làm gốm bốn đời của dòng họ Lý (thời ông nội của nhà sáng lập Lý Ngọc Minh) có bề dày hơn 100 năm. Thời điểm đó, Minh Long bắt đầu từ sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài, sau năm 1995, doanh nghiệp này chuyển hướng sang sản xuất sứ gia dụng cao cấp.
Những bước khởi đầu đam mê
Nửa đời người gắn bó với nghề gốm sứ, ông Lý Ngọc Minh tự nhận mình là “người mê gốm sứ”, đam mê khám phá, rong ruổi trên hành trình cuộc đời để mang tới những điều tốt đẹp cho xã hội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm sứ, từ ngày còn bé, ông Lý Ngọc Minh đã được bố dắt đi xem triển lãm những món đồ gốm đẹp đẽ của nước ngoài – những trải nghiệm đã mang tới cho ông chủ gốm sứ Minh Long ước mơ được làm ra những đồ vật chất lượng cao của người Việt.
Năm 17 tuổi, ông Minh đã “bất đắc dĩ” tiếp quản cơ nghiệp từ rất sớm khi gia đình gặp biến cố. Khi đó, ông bắt tay vào học và nghiên cứu đồ gốm trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, sau 3 năm vùi đầu vào nghiên cứu, ông Minh nhận ra hành trình này quá viển vông.
Dấu mốc tiếp theo đến với ông Minh là sự kiện ông Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về thăm tỉnh Bình Dương và gặp gỡ các doanh nghiệp. Sau bữa tối, ông Đỗ Mười đã hỏi: “Đất nước này có rất nhiều nơi làm gốm sứ, đặc biệt là Bình Dương nhưng sao lại không làm nổi một bộ ấm trà mà phải dùng sản phẩm của nước ngoài để đi tiếp khách?”.
“Cuộc cách mạng” gốm sứ
Sau khi nghe câu chuyện đó, ông Lý Ngọc Minh đã khăn gói lên đường, mang theo giấc mơ thuở nhỏ để tìm kiếm và học hỏi những kỹ thuật, máy móc sản xuất gốm sứ hiện đại nhất nhì thế giới, mang về nước. “Đó là cuộc cách mạng thứ hai”, Chủ tịch Gốm sứ Minh Long nói.
Hành trình tìm tòi và học hỏi ở nước ngoài đã giúp ông Minh xây dựng được hệ thống sản xuất gốm sứ tự động hóa ở mọi quy trình. Bên cạnh đó là công nghệ nung một lần, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Với những sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá, Minh Long đều cần khoảng thời gian dài, qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến nhiều năm để mang đến một sản phẩm hoàn thiện. Điều này đặt ra cho người đứng đầu bài toán làm thế nào để tối ưu hóa thời gian trong khi vẫn đạt được hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn việc áp dụng công nghệ nung một lần ở nhiệt độ cao cùng nhiều công nghệ tiên tiến, đột phá áp dụng trong sản xuất khác, Minh Long có thể tiết kiệm tối đa chi phí và giúp sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Cùng với thời gian tạo ra sản phẩm dài, quá trình đổi mới của doanh nghiệp cũng sẽ mất không ít thời gian. Có thể nói, để đổi mới sáng tạo, người thuyền trưởng Lý Ngọc Minh đã tìm ra và áp dụng những giải pháp, quy luật của riêng mình. Học tắt hiểu sâu, cải tiến những điều cũ để tạo ra cái mới, hoặc trở thành người tiên phong để đem đến sản phẩm khác biệt.
Hành trình hướng đến tương lai của “ông lớn” ngành gốm sứ
Nhìn về bức tranh tương lai của gốm sứ Minh Long, ông Minh cho rằng quá trình đổi mới sáng tạo sẽ luôn tiếp tục và không có điểm dừng. Ông cho rằng người đi trước không những là người dẫn dắt, mà còn cho người đi sau thấy được con đường mà họ đi đến thành công. Do đó, những người trẻ không chỉ có thể tiếp nối sự nghiệp mà còn có thể sáng tạo ra những cái mới để thay thế cái cũ.
“Sứ và chất dẻo ngày nay người ta gọi chung là siêu vật liệu. Nếu mình tìm được cách thức để giải quyết và mình có trong tay kiến thức thì mình sẽ tạo ra những cái mới hoài”, ông Minh chia sẻ thêm.
Một trong những “cái bẫy” lớn cho Minh Long để đi tới tương lai là doanh nghiệp đang là một trong những doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, hay nói cách khác là đang ở trên “đỉnh”. Vị thế này đòi hỏi công ty có sự đầu tư mạnh mẽ về máy móc, công nghệ, dẫn đến giá thành cao, khó tiếp cận thị trường.
Đối mặt với những thách thức này, ông Minh cho rằng đó là động lực cho sự sáng tạo của chính mình, của doanh nghiệp. “Chúng ta phải tìm cách nào để thích nghi bởi trong cái khó ló cái khôn mà chính không có cái khó thì chúng ta không thể sáng tạo.”
Đối đến những doanh nghiệp đang trên đường gây dựng sự nghiệp cũng như các doanh nghiệp đang tiếp tục với những trải nghiệm riêng của mình về bài học của sự thành công, doanh nhân Lý Ngọc Minh khẳng định ba yếu tố “học, hỏi, hành” là những yếu tố tiên quyết giúp người đứng đầu đưa doanh nghiệp cất cánh.