(Hoidoanhnhantieubieu.vn) – Ông Hồ Hùng Anh chính thức được Forbes xếp hạng trong danh sách 5 tỉ phú USD người Việt Nam năm 2019 với tổng giá trị tài sản đến thời điểm hiện tại là 1,7 tỷ USD. Ông cũng là tỷ phú USD đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt. Ngoài ra, ông Hồ Hùng Anh cũng là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng và chủ tịch VietJet Air – Nguyễn Thị Phương Thảo.
Hồ Hùng Anh (sinh ngày 08/06/1970, 49 tuổi) được sinh ra tại Hà Nội, nguyên quán ở Thừa Thiên Huế, là doanh nhân, tỉ phú USD người Việt Nam. Ông Hùng Anh hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sau khi rút khỏi Massan tháng 4/2018. Ông là một trong những tỷ phú đô la giàu nhất giới ngân hàng Việt Nam với tốc độ tăng trưởng khối tài sản một cách nhanh chóng.
Năm 1987, Hồ Hùng Anh thi đỗ vào khóa 22 đào tạo Kỹ sư tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau một năm học tập tại Học viện KTQS, ông đạt kết quả xuất sắc và được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học ngành kỹ thuật quân sự tại Liên Xô. Hồ Hùng Anh tốt nghiệp ngành kĩ sư điện tử trường Đại học Bách khoa Kiev, Ukraina.
Khởi nghiệp ở Liên bang Nga
Từ tháng 6 năm 1994 đến tháng 3 năm 1997, Hồ Hùng Anh là Giám đốc Công ty SANMEX Cộng hòa liên bang Nga.
Theo ghi nhận của Forbes, trong thời gian ở Đông Âu, ông Hùng Anh có mối quan hệ thân thiết với chủ tịch Massan Nguyễn Đăng Quang, và là “hai đối tác kinh doanh thân thiết, có môi quan hệ đan xen”.
Từ tháng 3 năm 1997 đến tháng 6 năm 2004, Hồ Hùng Anh giữ chức Tổng giám đốc Công ty Masan Rus Trading tại Cộng hòa liên bang Nga. Trong thời gian đó, ông Hùng Anh cũng buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu.
‘Bộ đôi’ tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang được biết đến là một trong những gương mặt thành công nhất của nhóm doanh nhân khởi nghiệp tại Đông Âu. Họ là những người từng thành công với lĩnh vực mì gói, tương ớt tại thị trường Nga
Tạm biệt Masan để chèo lái con thuyền Techcombank
Sau khi trở về Việt Nam, ông Hồ Hùng Anh vẫn tiếp tục hỗ trợ ông Quang để xây dựng Massan. Ông liên tục giữ các chức vụ quan trọng trong tổ chức này như: phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và Công ty Cổ phần Masan (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư Masan).
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Massan là công ty chiếm vị trí thứ 7 trong danh sách top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016, và đứng thứ 2 trong ngành tiêu dùng.
Năm 2005, ông Hồ Hùng Anh tham gia vào hội đồng quản trị ngân hàng Techcombank sau khi 2 chủ tịch HĐQT là ông Lê Kiến Thành và bà Nguyễn Thị Nga. Đến tháng 5 năm 2008, Hồ Hùng Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Tuy nhiên, đến tháng 4/2018 thì ông Hùng Anh từ bỏ mọi chức vụ tại Masan sau 10 năm gắn bó để tập trung cho Techcombank. Tuy nhiên, đây là quyết định nhằm đảm bảo việc thực thi quy định của luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1/2018, rằng một cá nhân không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp.
Techcombank bứt phá thần tốc dưới sự điều hành của ông Hồ Hùng Anh
Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam đạt mức lợi nhuận sau thuế đến 10.000 tỷ đồng sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Hùng Anh. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 10.661 tỷ đồng, tăng 86% so với năm 2013 và chỉ kém duy nhất Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Không những vậy, 2018 còn là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng của Techcombank khi ngân hàng này chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán. Quá trình IPO này đã huy động được 923 triệu USD về Techcombank, cao thứ hai trong năm chỉ sau sự kiện IPO của Vinhomes với 1,34 tỷ USD thu về.
Yếu tố tạo nên vị tỷ phú đô la giàu nhất giới ngân hàng Việt Nam
Có thể thấy mặc dù đang nắm giữ chức chủ tịch của Techcombank nhưng cổ phần của ông Hùng chỉ ở mức 1,12% với hơn 39,3 triệu cổ phiếu tại ngân hàng này. Song, những thành viên trong gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,5 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank, lớn hơn cả cổ đông lớn nhất là Masan.
Mặt khác, nguồn tài sản ông Hùng Anh có được lại đến từ công ty cổ phần Tập đoàn Massan. Cụ thể, một nguồn tin cho biết ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang chính là 2 cổ đông lớn nhất của Massan đến thời điểm hiện tại với tỷ lệ sở hữu mỗi người khoảng 48%. Nếu tính tỷ lệ sở hữu chéo, ông Hùng Anh có thể liên quan khoảng 21,5% vốn tại Tập đoàn Masan, tương đương hơn 22.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Massan lại là cổ đông lớn nhất của Techcombank với 15% vốn. Như vậy, ông Hùng Anh có thêm 3,2% trong cổ phần tại Techcombank, tương đương với 3,000 tỷ đồng.