Trong bối cảnh tương đối “ảm đạm” của ngành bất động sản, từ khóa “giá vật liệu xây dựng” bất ngờ nóng lên vài lần kể từ đầu năm.
Đáng kể nhất là thép, với mức tăng từ 1,2 – 2 triệu đồng/tấn, hay giá cát tại một số khu vực thậm chí tăng gấp đôi. Nhu cầu sụt giảm, trong khi giá lại tăng mạnh, vì sao lại có sự trái chiều này và giá vật liệu có hình thành xu hướng tăng trong thời gian tới?
Trong số các loại vật liệu xây dựng , thép đóng góp tỷ trọng lớn trong công trình dân dụng, công nghiệp và cả hạ tầng, vì thế khi giá thép phục hồi mạnh từ cuối năm ngoái đã kéo cả rổ chỉ số giá vật liệu xây dựng tăng lên.
Theo Tổng cục thống kê, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở đã tăng 0,99% trong tháng 2, đóng góp đáng kể vào mức tăng CPI của nền kinh tế. Giá thép tăng do giá các nguyên liệu đầu vào như: quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu… tăng lên, nhưng thực tế nhu cầu tiêu thụ vẫn đang ở mức thấp.
Ông Đinh Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: “Giá thép tăng nhưng sức tiêu thụ lại có chiều hướng ngược lại, hiện nay sức tiêu thụ thép chỉ đạt khoảng 50% so với công suất của các nhà sản xuất tại Việt Nam”.
Trong khi đó, giá xi măng vẫn đang tạm chững lại sau 3 đợt tăng mạnh từ năm ngoái và có diễn biến khá phân hóa tại từng khu vực. Riêng với giá cát, hiện mới ghi nhận đà tăng mạnh tại khu vực miền Trung do tác động từ yếu tố khai thác.
“Tôi vẫn đánh giá năm 2023 không có khả năng tăng về giá, bởi cầu của thị trường không tăng. Vì vậy, các nhà sản xuất không có cơ sở để tăng giá, thậm chí có lỗ cũng không tăng được”, ông Đinh Hồng Kỳ nhận định.
Trong khi đó, theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá nhiều nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới cũng đang có chiều hướng hạ nhiệt.
Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, Sở hàng hoá Việt Nam đánh giá: “Theo tôi, nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào có thể đã đạt đỉnh trong năm 2022 và giá sẽ điều chỉnh giảm trong giai đoạn tới. Do đó đà tăng của vật iệu xây dựng trong nước nhiều khả năng sẽ chậm lại theo giá thế giới”.
Như vậy, cả 2 nhân tố là nguyên liệu đầu vào và nhu cầu tiêu thụ đều cho thấy diễn biến tăng giá kéo dài của vật liệu xây dựng trong thời gian tới là khó khả thi. Câu chuyện đầu tư công có thể thúc đẩy một phần nhu cầu vật liệu xây dựng khi chiếm tỷ trọng khoảng 30%, nhưng trọng số lớn nhất vẫn là ngành bất động sản thì chưa thể “ấm lại” trong một sớm, một chiều.
Trước các thách thức về nhu cầu tiêu thụ trong nước, đại diện Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành có thể cơ cấu lại dòng sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu hay sản phẩm phục vụ các dự án đầu tư công , bên cạnh đó cũng cần tối ưu hóa chi phí hoạt động của doanh nghiệp.