Đúng như dự báo, các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bùng nổ trong tháng 2/2023 khi quốc gia này gỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch Covid-19.

Kim ngạch xuất khẩu đồng loạt tăng mạnh

Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn của nông sản Việt Nam, nhưng do quốc gia này thực hiện chính sách “zero Covid” nghiêm ngặt nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Từ ngày 8/1, Trung Quốc bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh. Hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới được nối lại.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường này dần khôi phục. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ “bùng nổ” nhưng có độ trễ. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cần có thời gian đánh giá, xem xét nhu cầu tiêu dùng, từ đó tính toán đơn hàng nhập khẩu.

Thực tế, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sang Trung Quốc đã tăng mạnh từ tháng 2. Hầu kết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 2 đến 3 con số. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý muốn mua lượng hàng lớn nông sản, thủy sản từ Việt Nam.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm nay đạt 1,27 tỷ USD, đưa Trung Quốc thành khách hàng lớn nhất trong hai tháng đầu năm, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Hầu hết mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, tính đến hết tháng 2/2023, xuất khẩu điều sang Trung Quốc tăng 122,6% về lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng 37,1% về lượng và tăng 23,4% giá trị. 

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng thu về hơn 90 triệu USD trong hai tháng năm nay, tăng tới 120,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 24,2%; xuất khẩu chè tăng 310,9%.

Xuất khẩu rau quả tới thị trường Trung Quốc hai tháng đầu năm cũng đạt 320,5 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 56,7% tổng trị giá xuất khẩu rau quả.

Tính đến hết tháng 2, chỉ mặt hàng cà phê, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Song so với tháng 1/2023 thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản này trong tháng 2/2023 lại tăng đột phá. Cụ thể, xuất khẩu cà phê, thủy sản tháng 2 tăng lần lượt là 130,7% và 316,3% so với tháng 1/2023.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm nay được kỳ vọng tăng trưởng mạnh (Ảnh: Thạch Thảo)
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm nay được kỳ vọng tăng trưởng mạnh (Ảnh: Thạch Thảo)

Thị trường hấp dẫn năm 2023

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. 

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, trong khi nguồn cung nội địa của quốc gia này khó đáp ứng kịp do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, cùng với chi phí vận chuyển hàng hóa giảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Đánh giá riêng về mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng 15 tỷ USD nhập khẩu rau quả. Năm 2022, xuất khẩu rau quả nước ta sang Trung Quốc chỉ đạt 1,53 tỷ USD, chiếm thị phần nhỏ.

Hiện Việt Nam có hơn 11 loại trái cây ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Nguyên dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ bùng nổ, đạt 2,5 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 3 tỷ USD trong năm nay.

Bà Lệ Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định, trong rổ thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt hàng cá tra đang có lợi thế do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc.

Từ đó, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi – cơ hội để các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Mới đây, tại diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhưng chưa tận dụng được hết, còn có nhiều khoảng trống thị trường, đặc biệt là mặt hàng thủy sản. 

Để tiếp cận thị trường Trung Quốc, ông lưu ý doanh nghiệp cần tiếp cận theo vùng, bởi ở mỗi địa phương đều có những đặc trưng riêng, xu hướng tiêu dùng riêng. Do đó, không nên theo xu hướng thị trường chung, phải có các mặt hàng riêng đáp ứng cho từng thị trường nhỏ ở Trung Quốc. 

Ông cũng nhấn mạnh phải chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Chú trọng xuất khẩu hàng hoá qua kênh thương mại điện tử, bởi đây là xu thế cần nắm bắt.